Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Trung ương và tỉnh, bước đầu khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện định hướng đã đề ra, từng bước trở thành động lực phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực Bắc miền Trung.
1. Tình hình đầu tư phát triển hạ tầng KKT
Sau 4 năm đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng thiết yếu của khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đã và đang được hoàn thành và gấp rút xây dựng.
Đến nay, tổng mức đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng được phê duyệt trên địa bàn là 2.085 tỷ đồng. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản được ngân sách bố trí lũy kế đến năm 2009 là 963,7 tỷ đồng (trong đó Ngân sách Trung ương 840 tỷ đồng, vốn địa phương 123,7 tỷ đồng; đã cơ bản hoàn thành các tuyến đường trục chính của các khu chức năng. Trên địa bàn hiện có 22 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư là 1.683,2 tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thời gian qua chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu như xây dựng Bến số 1-cảng Chân Mây, nhà máy nước Chân Mây, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, các khu tái định cư, đường trục chính dẫn đến cảng Chân Mây, đến các khu du lịch, khu công nghiệp; tạo điều kiện thu hút và triển khai các dự án đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
2. Hiệu quả kinh tế - xã hội, ảnh hưởng của việc phát triển khu kinh tế đối với địa phương và khu vực
Sau khi KKT Chân Mây-Lăng Cô được thành lập đầu năm 2006, diện mạo vùng Chân Mây-Lăng Cô đã thay đổi đáng kể, tình hình kinh tế-xã hội đã có những bước phát triển quan trọng tuy chưa lớn nhưng đã tạo được những tiền đề cơ bản cho sự phát triển khu kinh tế và của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Theo định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2006-2010 là hình thành KKT Chân Mây-Lăng Cô với cơ sở pháp lý và cơ chế chính sách thông thoáng, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, các khu chức năng được quy hoạch chi tiết nhằm tạo tiền đề cơ bản để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư và phát triển khu kinh tế giai đoạn sau năm 2010.
Tuy nhiên, với tiềm năng thế mạnh của mình, thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm 2007-2008, KKT Chân Mây-Lăng Cô đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn KKT đã có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 31.242,9 tỷ đồng, tương đương 1.954,9 triệu USD. Trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1.406,8 triệu USD (chiếm 70% vốn FDI đăng ký của toàn tỉnh), 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 8.770,3 tỷ đồng, tương đương 548,1 triệu USD. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư thì chất lượng các nhà đầu tư cũng có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư tại KKT như Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group),...
Kết quả này đã góp phần quan trọng thay đổi vị thế của tỉnh Thừa Thiên-Huế về thu hút đầu tư so với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mặc dầu chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nhìn chung các dự án lớn vẫn triển khai đúng tiến độ đề ra, sau 3-5 năm tới khi các dự án này đi vào khai thác sẽ làm thay đổi đáng kể để diện mạo của khu kinh tế.
Năm 2009, dự kiến thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế đạt khoảng 300 tỷ đồng, trong đó thu tiền thuê đất và thuế xuất-nhập khẩu đạt khoảng 250 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được sau 4 năm thành lập KKT Chân Mây - Lăng Cô là khá nhanh và đầy ấn tượng. Tuy nhiên, thành công này cũng mới chỉ là bước đầu, chỉ là điểm xuất phát trên con đường dài của quá trình phát triển toàn diện KKT. Để biến vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thành hiện thực, biến thành quả thu hút đầu tư trong những năm qua thành động lực phát triển, là tiền đề để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư và hình ảnh của KKT Chân Mây - Lăng Cô ra thế giới, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới cho KKT là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để đảm bảo xây dựng và phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo đúng định hướng đã đề ra, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 Ban quản lý KKT sẽ tập trung vào một số các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất là, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm bằng cách ưu tiên tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ dự án đã cấp phép, đặc biệt là Khu du lịch Laguna Huế và dự án Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây; khởi công các dự án quan trọng như Kho cảng dầu Chân Mây, dự án Khu du lịch Bãi Chuối, dự án Khu phức hợp văn phòng - khách sạn Thủ Đức Lăng Cô. Hoàn thành các dự án quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây và Khu đô thị mới Chân Mây; bước đầu kêu gọi đầu tư một số dự án đô thị mới và các bến cảng chuyên dùng cho xi măng và clanh-ke, cảng dầu, bến cảng tổng hợp số 2, số 3 và đê chắn sóng cảng Chân Mây; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu các khu tái định cư nhằm đảm bảo nhu cầu nơi ở, ổn định cuộc sống cho khoảng 2.000 hộ dân, đáp ứng nhu cầu tái định cư các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn KKT. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông quan trọng trên địa bàn như đường trục Trung tâm đô thị mới Chân Mây, đường nối Quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, hệ thống đường kết nối các khu chức năng... nhằm tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt phục vụ tốt lưu thông trong KKT. Tranh thủ các nguồn vốn để khởi công đập Thủy Yên - Thủy Cam, xây dựng nhà máy nước Lộc Thuỷ, xây dựng các trạm xử lý nước thải, xây dựng trường dạy nghề Chân Mây...
Thứ hai là, ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư bằng giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và ổn định cuộc sống cho người dân trong diện đền bù, thu hồi đất; đảm bảo có mặt bằng sạch khoảng 3000 ha (giai đoạn đến năm 2015) phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển của KKT; vận dụng đầy đủ, kịp thời và hợp lý các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mới, các kiến nghị hợp lý của người dân, chính quyền địa phương liên quan đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư. Ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế, đào tạo nghề... cho bà con nhân dân vùng dự án.
Thứ ba là, tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch với việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành hoàn thành các quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng của KKT, đặc biệt quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây, Khu đô thị mới Chân Mây...; chú trọng công tác quản lý xây dựng, phát triển theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thường xuyên phối hợp với UBND huyện Phú Lộc và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm đất đai, mặt nước, khai thác tài nguyên trái phép…Tăng cường công tác phổ biến công khai các quy hoạch và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển KKT, kết hợp đồng thời việc vận động, thuyết phục với xử lý triệt để, nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm quy hoạch.
Thứ tư là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thu hút đầu tư bằng việc nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" trên tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, doanh nghiệp, lao động... ; làm đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình hình thành, triển khai dự án và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư tại KKT. Nâng cao chất lượng vận hành quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 cho các công việc hành chính tại Ban Quản lý KKT ; tập trung hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng các thủ tục, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã được cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.