Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì:
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22-12-2017 về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là: “làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần”.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đưa ra 2 ví dụ để giải thích rõ hơn về khái niệm này. Ví dụ 1: Trong vụ án có bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình hoặc bị can, bị cáo có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ định người bào chữa cho họ. Ví dụ 2: Trong vụ án có người bị hại nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không xác định tư cách bị hại để đưa họ vào tham gia tố tụng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ.
Vậy khi được xem vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì bao gồm 4 đặc điểm sau:
1. Phải có hành vi không thực hiện những quy định bắt buộc trong Bộ luật Tố tụng hình sự khi tiến hành tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;
2. Có hành vi thực hiện nhưng thực hiện không đúng theo trình tự, thủ tục đã quy định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;
3. Các hành vi trên phải xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…;
4. Việc bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ thủ tục làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện (như đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bắt buộc phải chỉ định Luật sư, nhưng bỏ qua không thực hiện là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được pháp luật quy định).
Hậu quả là: điều tra, truy tố lại hoặc xét xử lại nên Tòa phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm;
Những vi phạm thuộc các trường hợp trên đều coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải được điều tra, truy tố lại hoặc xét xử lại nên Tòa phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm; còn những vi phạm ngoài phạm vi khái niệm này thì được coi là những vi phạm tố tụng không nghiêm trọng và chỉ thực hiện việc kiến nghị sửa chữa, khắc phục (như vi phạm về thời hạn điều tra, thời hạn xét xử… cũng là vi phạm tố tụng nhưng không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng).
Chủ đề liên quan:
- Phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội
- Các giai đoạn của Tố tụng hình sự
- Tự thú là gì?
- Hiệu lực và nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự thế nào?
- Tính chất của tình hình tội phạm là gì?
- Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố
- Quy định của đạo luật Megan của Hoa kỳ về nạn nhân tình dục
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân
Hỗ trợ khách hàng
0938188889 - 0387696666